Nguyệt San Số 9


Sầu riêng Cái Mơn

Tác giả: V.T sưu tầm
Thể loại: Quê Hương   

      Vùng đất Cái mơn hiền hòa nằm hai bên dòng sông cùng tên, nối liền hai nhánh của Cửu Long Giang  là Sông Tiền  và sông Hậu. Đây là nơi đã sinh ra một vị thánh và một nhà bác học lừng danh.
      Người dân Cái Mơn thấm nhuần lòng đạo đức của thánh Phan Văn Minh và say mê học hỏi theo gương nhà bác học Trương Vỉnh Ký. Siêng năng và cầu tiến là đặc tính của người Cái Mơn. Nơi đây ngày nay đã hình thành một làng nghề truyền thống đặc biệt nổi tiếng khắp lảnh thổ Việt Nam: nghề hoa kiểng và cây giống. Người ta nói Cái Mơn là chiếc nôi của cây giống và hoa kiểng, thật không ngoa chút nào. Người dân hầu hết theo đạo Thiên Chúa. Hai tiếng Cái Mơn gắn liền với lịch sử truyền giáo, một địa danh hoàn toàn nhà đạo, một vùng trù phú chuyên canh cây kiểng, là một trong hai mươi giáo xứ lớn nhất Việt nam, là vùng đất luôn bình an qua các thời chinh chiến. Cái Mơn còn là vùng đất gây nhiều mâu thuẩn: người ta muốn vào sống ở Cái Mơn nhưng người ta ghét hai chữ Cái Mơn vì hai chữ nầy gợi lên hình ảnh đạo Công Giáo. May mắn là bằng tinh thần cởi mở và nếp sống hiền hòa, dần dần bàn dân thiên hạ đã nhận ra được sự đóng góp tinh thần và vật chất của người Cái Mơn cho quê hương đất nước. Tuy nhiên người  hẹp lượng và mang nặng mặc cãm thì ở đâu và thời nào cũng có.
      Nói đến Cái Mơn người sành điệu ăn trái cây không thể quên  một loại trái quen thuộc nổi tiếng khắp nước đó là: sầu riêng Cái Mơn. Chúng ta thử tham quan bất cứ chợ lớn nhỏ nào trên toàn lảnh thổ Việt Nam, tại các gian hàng bán sầu riêng đều có quảng cáo”Sầu riêng cơm vàng hạt lép Cái Mơn”. Đó chỉ là những chiêu quảng cáo thuộc lòng và không thật chút nào, bởi sầu riêng Cái Mơn giá mắc và không đủ để bán tràn lan như vậy. Có khi chính người bán và người viết quảng cáo cũng chưa biết sầu riêng Cái Mơn là thứ nào. Nhân đây chúng tôi xin trình bày với quí vị  nguồn gốc sầu riêng Cái Mơn.
       Ngược dòng thời gian cách nay 150 năm có một người tên Pierre Michel  Nguyễn Duy Lưu, tên thường gọi là thầy phó Lưu. Ông sinh năm 1857 và mất năm 1947. Ông là cháu ngoại của người chị thứ ba của thánh P. Phan văn Minh: bà Phan Thị Diện. Bà Phan Thị Diện kết hôn với ông Nguyễn văn Lễ; sinh ra bà Nguyễn Thị Ngân. Bà Ngân kết duyên cùng ông Cai Tổng Hòa; sinh ra ông Phó Lưu cùng các chị em khác.
        Các chị em của ông Phó Lưu có những người nổi tiếng là Bà Nhứt Anna Triều, Bà Đốc phủ Trần, Cai Tổng Đô, Hội Đồng Hiển, Bà Đốc phủ Sử. Chính dòng họ nầy đã dâng cho nhà thờ Cái Mơn 4 chuông lớn còn lưu đến ngày nay. (xin xem mục Tháp Chuông nơi trang lịch sử Cái Mơn).Chúng tôi đang giử đầy đủ tông chi của dòng họ nầy nhưng đây không phải lúc trình bày vấn đề.
       Xuất thân từ một gia đình thế giá thời bấy giờ, là cháu của vị thánh, thầy Phó Lưu thừa hưởng lòng đạo đức của ông cậu, thánh Philipphê Phan văn Minh và ngưởng mộ sự thông thái uyên bác của nhà bác học Việt Nam, Trương Vỉnh Ký (vườn ở sát bên nhà Petrus Ký). Ông được trang bị những kiến thức và nền học vấn Phương Tây, nhưng ông không mặn mà với việc hợp tác cùng chánh quyền bảo hộ.
       Theo hồì ức của bà Maria Nguyễn Thị Bông (người cháu nội duy nhất của Thầy Phó), thì ông nội của bà đã từng là thầy dạy cho thái tử Cao Miên (nguyên văn). Thầy dạy hoàng gia được gọi là thái phó, nên khi về ẩn cư nơi quê nhà mọi người thường gọi ông với  tên thân mật là thầy phó.
       Lúc còn trai trẻ cũng có một thời ông giử chức Lục Sự, Chánh Lục Sự và từng được bổ nhiệm làm Chánh Lục Sự tòa  thượng thẩm Sàigon. Ông không  nhận và xin từ chức.
       Ông Phó Lưu cũng uyên thâm nho học nên ông tâm đắc phong cách hưởng nhàn của các nhà nho xưa. Nhưng có điều là cảnh vui thú điền viên của thầy Phó Lưu có một phong cách rất riêng, mang nặng nét đặc thù của người Cái Mơn.
       Trong thời gian dạy học cho các hoàng tử ở hoàng gia Campuchia, ông cố công tìm các loại giống sầu riêng ngon nhất mang về trồng ở khu vườn  rộng gần hai mẩu tây, tọa lạc bên bờ sông Cái Mơn, cách nhà thờ Cái Mơn khoản hơn 100m. Nay còn nền mộ của ông bà phó Lưu. Phần đất nầy nay thuộc quyền quản lí của gia đình ông bà trùm Nhuận..
       Thầy Phó Lưu lập khu vườn trồng chủ yếu các loại cây đặc sản của Cái Mơn: sầu riêng, bòn bon, măng cụt và dừa. Thửa vườn được chia ra hai khu vực rỏ nét và có tính khoa học cao. Thửa thứ nhất trồng sầu riêng giữa bờ, hai bên là bòn bon (không có dừa); thửa thứ hai: măng cụt trồng giữa bờ, bòn bon và dừa thì xen lẩn giửa  bờ và hai bên, có hàng lối và  khoản cách nhất định.
       Thời điểm trước năm 1975 một số gốc sầu riêng Phó Lưu còn sống, hầu như cách chung cụt đọt, chỉ còn vài nhánh, nhưng mỗi nhánh to hơn cây sầu riêng của chúng ta ngày nay. Gốc cây thường phải hai người ôm mới hết, có người còn kể tỉ mỉ là một cây sầu riêng Phó Lưu không chỉ cho trái vài trăm kílô nhưng là cả tấn.
      Trong số sầu riêng mang về từ Campuchia, có một cây rất đặt biệt, được ông đặc tên là "sầu riêng sữa bò" với những đặc tính: vỏ mỏng, cơm nhảo, hạt lép, hương thơm ngạt ngào và béo ngọt như sửa bò. Vì những đặc tính trên nên khi tự chín rụng xuống thì vỡ ra từng mảnh. Chủ nhà phải lót nhiều rơm dưới gốc cây để bảo vệ trái chín rụng.
       Tiếng đồn về cây sầu riêng sửa bò vang đi rất xa nên đến mùa trái chín, nhiều người ở ngoài tỉnh và trong tỉnh Bến Tre, trong đó có gia đình chủ tỉnh, Đốc Phủ, Huyện quan, Cai tổng …. nghe tiếng tìm đến nơi, chờ trái chín rụng xuống để thưởng thức cho được hương vị của sầu riêng nầy, nhưng không ít người phải thất vọng vì chờ mãi trái không chịu rụng.
       Vì đặt tính cực kỳ ít hạt, vả lại ngày xưa chưa biết nhân giống theo phương pháp vô tính, nên hạt được gieo trồng lại không giống hoàn toàn cây bố mẹ. Cây sầu riêng sửa bò nầy có những đặc điểm gần như tương đồng với cây sầu riêng  cơm vàng hạt lép của anh Chín Hóa hiện nay.(giống sầu riêng có thương hiệu độc quyền và nổi tiếng khắp Việt nam).
       Không  biết hai giống nầy có liên quan gì với nhau không? Nhưng một điều chắc chắn là cả hai giống đều có xuất xứ từ vùng đất Cái Mơn trù phú. Những người lớn tuổi ở Cái Mơn ngày nay vẫn còn nhớ sầu riêng Phó Lưu nức tiếng một thời về chất lượng và số lượng. Đó là cây sầu riêng đầu tiên ở Cái Mơn.
       Chúng ta có thể kết luận chăng? Sầu riêng Cái Mơn, Sầu Riêng Phó Lưu, Sầu riêng Chín Hóa  là một, và còn liều hơn nữa khi nói đó là sầu riêng Việt Nam!  Xin lổi bạn đọc đây chỉ là một câu phát biểu nữa tếu nữa thật. Mong các bạn  chỉ cho đồng bào bào mình biết nơi nào sầu riêng ngon hơn và có chứng cớ chắn chắc xa xưa hơn sầu riêng Cái Mơn: trên 150 năm! Rất cám ơn.
       Người sành điệu góp ý:  Trải rơm dưới gốc cây để Sầu riêng Phó Lưu rụng không bể.  Cách khác là chịu khó leo lên cây buộc từng quả vào cành, khi nào trái chín rụng đung đưa thì trèo lên gở xuống. Cả hai cách nầy cho người hưởng dùng sầu riêng thật sự chín, đúng tiêu chuẩn.
        Sầu riêng Chín Hóa ngày nay thì cứ độ chừng quả già thì hái xuống đồng loạt, để đó chờ nhả đĩa (rụng cuống) là dùng ngay. "Thu": bán vào thời điểm thuận lợi; "hất": không hư mất quả nào. Đó là khám phá của thời khoa học kỷ thuật! Nhưng hái xuống mấy ngày mới nhả đĩa? Ai bảo đãm quả đã già đến độ nào? Chất lượng hất nhất định không như ý!